BLOG

NGÀNH VẬT LIỆU XÂY DỰNG: TRĂM MỐI LO

12/01/2017

-

Adler Group

-

0 Bình luận

Bản lề sàn nói riêng và ngành vật liệu xây dựng trong năm qua đã có những biến động mạnh. Adler mời các bạn tham khảo bài viết sau trên baoxaydung.com để cùng tìm hiểu về vấn đề này.

- “Tiêu thụ kém”, “bị cạnh tranh gay gắt”, “phải đóng cửa nhà máy” là những cụm từ thường nghe thấy trong thời gian gần đây trong ngành vật liệu xây dựng.

Kính “thất thủ”

Cuối tháng 10, Công ty Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Phú Phong (sở hữu thương hiệu kính Phú Phong) đã tổ chức họp đại hội đồng cổ đông bất thường và thông qua phương án giải thể công ty, hoàn trả tiền cho các cổ đông.

NGÀNH VẬT LIỆU XÂY DỰNG: TRĂM MỐI LO

Kính xây dựng ngày càng được ưa chuộng tại các công trình

Nguyên nhân mà hội đồng quản trị công ty này đưa ra là do thị trường bất động sản chuyển từ các dự án cao cấp sang nhà ở xã hội, dẫn đến vật liệu xây dựng được sử dụng với chất lượng thấp, giá cả bình quân cách biệt so với công nghệ châu Âu của công ty đang áp dụng. Ngoài ra, thị trường kính ngày càng cạnh tranh khốc liệt về giá, đặc biệt là từ các sản phẩm của Trung Quốc, khiến hoạt động của công ty rơi vào bế tắc.

Lượng sản phẩm được tiêu thụ sụt giảm nghiêm trọng trong nhiều năm khiến nhà máy của Phú Phong không hoạt động hết công suất. Trong khi đó, chi phí hoạt động, đặc biệt là lãi vay phải trả duy trì ở mức cao, chủ yếu phát sinh trong giai đoạn Phú Phong đẩy mạnh đầu tư, khiến công ty chịu lỗ liên tục nhiều năm liền kể từ 2012.

Riêng tám tháng đầu năm nay, Phú Phong đạt doanh thu 105,3 tỉ đồng nhưng giá vốn đã chiếm tới 104,9 tỉ đồng. Trừ đi các loại chi phí, công ty lỗ tiếp 39,3 tỉ đồng. Con số lỗ lũy kế tính tới cuối tháng 8 đã hơn 116 tỉ đồng.

Cũng trong tám tháng đầu năm, ngành kính cũng trải qua biến động lớn khi nhà máy sản xuất kính Tràng An phải dừng sản xuất để đại tu thiết bị, nguồn cung trên thị trường được cho là thiếu hụt cục bộ, giá kính gia công vì thế tăng đột biến 40-50%. Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh trong ngành cho biết hiện cả nước chỉ có bốn nhà máy sản xuất kính xây dựng lớn, gồm: nhà máy kính Chu Lai (công suất 900 tấn/ngày), nhà máy kính Việt Nhật (550 tấn/ngày), nhà máy kính Bình Dương (450 tấn/ngày), nhà máy kính Tràng An (300 tấn/ngày). Nguồn cung nguyên liệu không đáp ứng được nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp gia công.

Không những thế, kính nguyên liệu nhập khẩu bị áp thuế đến 40% khiến giá thành phẩm nội địa bị đẩy lên cao.

Một sức ép khác cho doanh nghiệp kính gia công đến từ hàng nhập khẩu. Nhiều sản phẩm kính gia công sẵn ở nước ngoài được nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam với thuế suất thấp, thậm chí chỉ từ 0-5%, khiến kính trong nước không thể cạnh tranh nổi. “Trong chín tháng đầu năm, giá trị nhập khẩu kính tăng 250% so với cùng kỳ năm ngoái”, vị này cho biết.

NGÀNH VẬT LIỆU XÂY DỰNG: TRĂM MỐI LO

Một ứng dụng hoàn hảo của kính trong ngành vật liệu xây dựng

Bị kẹp hai đầu, một từ nguyên liệu đầu vào mất cân đối, một từ đầu ra bị cạnh tranh khốc liệt, doanh nghiệp kính gia công trong nước không thể đối phó đành phải thu hẹp sản xuất, còn đóng cửa là “chuyện sờ sờ trước mặt”. “Có thời điểm, thà doanh nghiệp kính chúng tôi nhập khẩu hàng gia công về bán còn có lời hơn tự mình sản xuất!”, vị này chua xót nói.

Gạch, xi măng chưa thoát ế

Tương tự ngành kính, hàng Trung Quốc lấn át thị trường cũng là câu chuyện của mặt hàng gạch ốp lát. “Hàng Trung Quốc không chỉ có mẫu mã đẹp, bắt mắt, mà giá nào cũng có, từ chỉ 100.000 đồng/mét vuông đến hàng triệu đồng/mét vuông”, chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Lý Thường Kiệt (quận 10) nói với TBKTSG.

Ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam, cho biết thời gian gần đây, doanh nghiệp trong nước đã dần nắm bắt nhu cầu thị trường, hàng lậu và vấn đề gian lận thương mại cũng phần nào được kiểm soát nên gạch Trung Quốc nhập khẩu giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lượng gạch Trung Quốc được tiêu thụ vẫn tương đối lớn, giá trị nhập khẩu đạt khoảng 100 triệu đô la Mỹ mỗi năm, đó là chưa kể nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, ước đoán thêm ít nhất 100 triệu đô la Mỹ nữa.

Theo ông Huy, hiện nhu cầu tiêu thụ gạch ốp lát trong nước vào khoảng 500 triệu mét vuông/năm, nhưng năng lực sản xuất của các doanh nghiệp lên tới 650 triệu mét vuông/năm. Do vậy, các nhà máy gạch ốp lát chỉ phát huy được khoảng 80-85% công suất, lượng tồn kho còn khoảng 60 triệu mét vuông.

Nói qua lĩnh vực xi măng, theo đánh giá của ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, hiện tổng công suất các nhà máy xi măng trong nước đạt trên 80 triệu tấn/năm nhưng mức tiêu thụ chỉ khoảng 75 triệu tấn/năm, đồng nghĩa với cung vượt cầu.

Trong vòng năm năm tiếp theo, công suất thiết kế của ngành xi măng Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, chạm mốc gần 100 triệu tấn/năm. Dù tiêu thụ tại thị trường nội địa cũng tăng, nhưng sản lượng dư thừa sẽ không vì thế mà giảm đi. Trong khi đó, các đối thủ xuất khẩu xi măng ngày càng gia tăng cạnh tranh.

Theo thống kê của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), tới hết tháng 11-2016, sản lượng tiêu thụ xi măng nội địa tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2015, đạt 54,52 triệu tấn. Tuy nhiên, xuất khẩu clinker và xi măng chỉ đạt 13,97 triệu tấn, chỉ bằng 94,7% so với cùng kỳ. Nguyên nhân được xác định là do các doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước gặp sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước sản xuất xi măng như Thái Lan, Trung Quốc...

Ông Cung nhận định Việt Nam hiện xếp thứ 5 trên thế giới và đứng đầu Đông Nam Á về sản lượng xi măng, nhưng thực tế lượng xuất khẩu của Việt Nam lại thấp hơn nhiều so với Thái Lan. Đáng quan ngại hơn, thị trường Trung Quốc sau thời gian phát triển nóng công suất đã dư thừa khoảng 670 triệu tấn, do vậy doanh nghiệp Trung Quốc ra sức ép giá khiến doanh nghiệp xi măng trong nước khó giành được thị trường xuất khẩu.

Về gạch không nung, thị trường trong nước vẫn không mấy mặn mà, đẩy các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng này vào tình thế khó khăn. Ông Trần Văn Huynh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, cho biết năng lực sản xuất gạch không nung ở Việt Nam hiện ở mức 6 tỉ viên/năm, có thể đáp ứng được 23-24% nhu cầu gạch xây dựng trong nước. Tuy nhiên, các nhà máy chỉ khai thác được trên dưới 50% năng lực trên, vì không tìm được đầu ra.

Hồi tháng 6, tại hội thảo “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung” do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, ông Nguyễn Quang Chung, Giám đốc Công ty cổ phần Bê tông khí Viglacera, cho rằng giá sản phẩm gạch không nung cao hơn từ 15-25% so với gạch nung chính là nguyên nhân khiến việc tiêu thụ khó khăn.

Hơn nữa, trên thị trường đang xuất hiện nhiều sản phẩm gạch không nung chất lượng thấp, không ổn định, không có chứng nhận hợp quy nhưng vẫn mặc nhiên được tiêu thụ, dẫn đến sự cạnh tranh không bình đẳng.
Trong những tháng cuối năm, một số loại vật liệu xây dựng ghi nhận lượng tiêu thụ gia tăng mạnh do nhu cầu xây dựng cuối năm tăng cao.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, lượng thép sản xuất trong 10 tháng đầu năm tăng 12,2% so với cùng kỳ, đạt 1.479.602 tấn; lượng bán hàng tăng 10,9% đạt 1.239.710 tấn; lượng xuất khẩu tăng 16,6% so với cùng kỳ, đạt 208.080 tấn. Đối với xi măng, lượng tiêu thụ trong hai tháng 10 và tháng 11 tăng mạnh, giúp sản lượng xi măng tiêu thụ đạt 90% kế hoạch năm. Bộ Xây dựng dự kiến tổng sản lượng xi măng tiêu thụ năm 2016 khoảng 76 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ, đạt 100% so với kế hoạch. Tuy nhiên, theo chỉ số tồn kho tính đến đầu tháng 11-2016 do Tổng cục Thống kê công bố, lượng tồn kho của các sản phẩm như đồ gỗ nội thất, thạch cao… đều có chỉ số tồn kho tăng từ 20-22% so với cùng kỳ. Riêng ngành thép, chỉ số tồn kho chỉ tăng 11% so với cùng kỳ.

Vì đâu nên nỗi?

Năm 2009, Bộ Công Thương từng khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với kính nổi nhập khẩu nhưng phán quyết áp thuế không được ban hành vì đến thời điểm kết thúc điều tra, ngành kính sản xuất trong nước đã phục hồi do giá bán dầu FO (nguyên liệu chính để sản xuất kính nổi) đã thấp tương thích với giá dầu của thế giới.

Hàng rào thuế quan không hình thành còn hàng rào kỹ thuật thì vẫn lỏng lẻo. Vị đại diện doanh nghiệp kính nêu trên cho biết chất lượng kính nhập khẩu trên thị trường đang vô cùng nhập nhèm. “Kính Trung Quốc nhập khẩu có loại làm thiếu độ dày, chẳng hạn loại kính 5 mm nhưng chỉ làm dày 4-4,5 mm, chất lượng kém hơn hàng nội địa nhưng vẫn được tiêu thụ”, vị này bức xúc.

Trong khi đó, các doanh nghiệp của Hiệp hội Kính và Thủy tinh thì lại mâu thuẫn nhau trong khi tìm phương hướng giải quyết, do “tăng quyền lợi của doanh nghiệp gia công thì phải giảm lợi ích của doanh nghiệp sản xuất! Do vậy, rất cần sự tham gia điều tiết của cơ quan quản lý nhà nước trong dài hạn, làm sao hài hòa lợi ích các bên”, vị này nói thêm.

Về gạch ốp lát, ông Đinh Quang Huy lo ngại sản lượng trong nước sẽ tăng trưởng nóng. Việt Nam hiện đứng thứ 4 thế giới về năng lực sản xuất gạch ốp lát. “Các công ty nội địa đầu tư sản xuất ngày một lớn, có công ty sản xuất 50-60 triệu mét vuông/năm. Tuy nhiên, giá trị sản phẩm của hàng trong nước lại không cao bằng hàng nước ngoài do mẫu mã, chất lượng chưa cao. Nếu hàng của Ý bán được với giá 14 đô la Mỹ/mét vuông thì hàng Việt Nam chỉ có giá 6 đô la Mỹ/mét vuông”, ông Huy trăn trở.

Xi măng vẫn khó khăn hơn cả, theo ông Nguyễn Quang Cung, việc xi măng trong nước ế ẩm, xuất khẩu với giá rẻ trong nhiều năm nay là hậu quả của quy hoạch ngành thiếu cân đối. “Chỉ với riêng các nhà máy xi măng hiện có và đang được đầu tư cũng đã đủ cung cấp xi măng cho thị trường tới năm 2020”, ông Cung cho rằng trong giai đoạn này không nên đầu tư thêm nhà máy xi măng nếu không muốn xảy ra tình trạng khủng hoảng thừa.

Chưa hết, theo hai luật thuế số 106/2016/QH13 và 107/2016/QH13 cùng Nghị định 100/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Quản lý thuế sửa đổi, thì từ ngày 1-7-2016, xi măng, clinker thuộc nhóm “sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác hoặc đã chế biến thành sản phẩm khác nhưng tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản; sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên”, không chịu thuế giá trị gia tăng nên sẽ không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào khiến thành phẩm cuối cùng phải xuất khẩu với giá cao.

“Chi phí xuất khẩu của các doanh nghiệp xi măng trong nước sẽ tăng thêm khoảng 4,5 đô la Mỹ/ tấn clinker và tăng 7,5 đô la Mỹ/ tấn xi măng. Giá xi măng xuất khẩu của Việt Nam ngày một khó cạnh tranh hơn với Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Indonesia, thậm chí với cả Iran”, ông Cung nói. 

Theo: baoxaydung

TAGS :

bản lề sàn kính cường lực ngành vật liệu xây dựng

Tin tức liên quan